ŌKUBO - KOKUSAI

 

Mùa thu Tokyo, lần đầu tiên tôi đến Tokyo vào cuối tháng 10, giữa mùa thu. Lần đầu tiên được tiếp xúc với thời tiết của 4 mùa, cái lạnh nhè nhẹ của mùa thu. Tôi vẫn nhớ mãi những cảm xúc của nắng vàng mùa thu ngày ấy. Nắng trải vàng trên lối đi, xào xạc lá vàng rơi, cái nắng chỉ làm thêm ấm áp, và làm nổi bật những hàng cây lá vàng, lá đỏ chen nhau hai bên đường, hay trong khu vườn nhà ai, sau những bức tường thấp, những cành trái Hồng trụi lá, nổi bật trong bầu trời xanh ngắt, chen lẫn với những khóm hoa Cúc đủ màu, mang lại một không khí thật thanh bình, đơn sơ. Tôi vẫn hằng tưởng tượng những hình ảnh mùa thu đầy lãng mạn, trong trí óc khi còn ở Saigon. Ngày ấy những câu chuyện về mùa thu Hà Nội của bố mẹ, hay mùa thu Paris qua sách báo, đã mang lại cho tôi một mong ước, được thấy tận mắt, và được sống giữa không khí mùa thu ấy.

Sau vài ngày tá túc trong căn phòng trọ của cư xá Komaba, của người em họ. Đến cuối tuần, người em họ đưa tôi đi tìm phòng trọ. Năm đầu tiên ở Nhật việc quan trọng nhất là học tiếng Nhật ở Kokusai, mà tôi đã được ghi tên học ở đó, nên chúng tôi mong tìm được một căn hộ nào đó, ở gần đâu đó trong khu Ōkubo.


Sáng hôm đó, chúng tôi lấy xe điện đi đến ga Ōkubo. Lần đầu tiên được đi xe điện trong một thành phố lớn, tôi rất háo hức, mắt không ngừng quan sát mọi nơi, mọi việc, mọi người, như một cậu bé lần đầu tiên đi ra phố, tiếp xúc với cuộc đời . Hôm ấy sáng thứ bẩy nên xe cũng không đông như mọi ngày. Ở Tokyo có rất nhiều tuyến đường xe điện, nhưng ngày ấy thường thường chúng tôi chỉ dùng hai con đường công doanh chính Yamate-sen, tuyến xe chạy chung quanh thành phố Tokyo và Chuo-sen cắt ngang Yamate-sen ở giữa, và một vài tuyến xe điện khác để đi về trường đại học hay vào Komaba. Ngày ấy Tokyo có rất ít đường xe điện ngầm, không như ngày nay xe điện ngầm có ở khắp nơi.


Trên xe, mắt tôi không ngừng quan sát những khu phố đi qua. Xe điện ở Tokyo chạy trên mặt đường, xuyên qua những khu phố, sát mặt đất hay ở trên cao, hai bên đường là các khu nhà ở.
Trong toa xe chỉ có hai hàng ghế dọc theo toa, ở giữa là một khoảng trống, dành cho hành khách đứng, với những giây nắm tay khi di chuyển, lủng lẳng ở trên cao. Trên xe ngày ấy mọi người mọi người đều chăm chú, cúi mặt đọc sách báo, ngay cả những người đứng, ngày nay như ở mọi nơi khác, sách báo được thay bằng iphone.

Ōkubo là một ga nằm trên đường Chuo-sen, cách ga Shinjuku một trạm, nhà ga nằm ở trên cao, chỉ có một đường tàu qua lại. Chúng tôi đi xuống bậc thang thẳng đứng khá cao, qua khu bán và kiểm soát vé để đi ra đường lộ chính, xe chạy không đông lắm, chúng tôi rẽ về phía tay trái đi hướng về Kokusai, hai bên đường là những hiệu buôn đủ loại, tiệm ăn, thực phẩm, sách báo, quần áo, tạp hóa… Hàng hóa bày tràn trên mặt đường đi bộ. Đầu đường trong một góc nhỏ một quầy bán, ngày xưa chúng tôi thường hay đến đây để rửa phim ảnh, và cạnh đó là tiệm Pachiko ồn ào tiếng nhạc Enka. Ngày nay quầy bán ấy vẫn còn đó, nhưng không còn rửa phim ành nữa, quầy dùng để bán iphone cũ, vả tiệm Pachinko cũng không còn.


Điều làm cho tôi để ý nhất là dọc trên đường đi bộ, ngày ấy được che bọc mưa gió, bằng những mái tôn sắt cong, ở dưới treo đèn lồng, hoa lá giấy, mùa nào hoa lá nấy, trông rất đẹp mắt, và nhất là rất Nhật Bản. Ngày nay mái tôn này không còn nữa, thay vào đó hai bên đường được trồng hai hàng cây, nhà cửa cao đẹp hơn, trông giống như một con đường sầm uất nào đó ở Âu châu, Paris.


Chúng tôi đến một ngã tư lớn, nếu rẽ về tay trái sẽ đến Shinjuku, bên kia đường, bên tay phải là Sanwa-bank, nhà bank mà chúng tôi ai cũng mở một ngân khoản ở đó khi học ở Kokusai. Chúng tôi qua đường tiếp tục đi thẳng, đi độ 200 thước đến một ngã ba nhỏ, bên tay phải, một con đường dốc nhỏ cắt ngang, đầu đường là tiệm bán rau cỏ, trái cây, bên kia là tiệm bán chăn màn. Người em họ cho tôi biết đây là đường rẽ để đi về Kokusai. Chúng tôi rẽ vào con dốc nhỏ này, hai bên đường là những căn nhà gỗ nho nhỏ, một tầng lầu, hơi tối tăm, ở dưới dùng để buôn bán đủ loại, nhưng đa số là một vài tiệm ăn nhỏ và vài tiệm bán tạp hóa, thực phẩm, rau cỏ, thịt cá… đi độ vài chục thước, chúng tôi gặp một tiệm môi giới nhà cửa, Bất động sản, Fudosan.

 

Phía ngoài cửa Fudosan một cửa kính lớn bằng gỗ, trên cửa kính dán chi chít những tấm giấy, quảng cáo những nhà cho thuê, trên giấy ghi giá thuê hàng tháng, tầm cỡ của căn hộ, 3 chiếu, bốn chiếu rưỡi hay sáu chiếu… Chúng tôi đứng nhìn, bàn tán với nhau về những căn hộ cho thuê dán trên cửa, một lúc rồi quyết định kéo cửa đi vào.


Trong tiệm Fudosan, một không khí rất ẩm ướt, hơi nước đóng kín trên cửa kính, giữa phòng là một lò sưởi gaz đốt đỏ rực, ở trên mặt lò sưởi đặt một ấm nước, tỏa hơi nước mù mịt. Chung quanh phòng kê một vài bàn làm việc, một thiếu phụ đứng ở trước lò sưởi, hai tay xòe ra về phía lò sưởi để đón hơi ấm. Chúng tôi bước vào mọi người đều cất tiếng chào, một nhân viên đứng lên mời chúng tôi ngồi vào bàn. Người em họ tôi trao đổi câu chuyện với nhân viên, ông ta mở tập hồ sơ, giới thiệu một vài căn hộ cho thuê. Qua câu chuyện tôi thấy người em họ tôi không có vẻ gì vừa ý lắm, sau một lúc trao đổi chúng tôi đứng dậy, cúi chào mọi người rồi đi ra ngoài cửa.

 

Ra ngoài đường người em họ tôi giải thích, không tìm được một căn hộ nào vừa ý cả, có những căn hộ vừa túi tiền mà chúng tôi tìm, thì lại quá xa nhà ga Ōkubo hay Kokusai, ngược lại có những căn hộ vừa lòng về địa lý thì giá lại quá cao, chúng tôi tìm một căn hộ bốn chiếu rưỡi, giá thuê độ 7000 Yen thuở đó. Ngày đó phòng cho thuê càng gần ga xe điện giá càng đắt.


Chúng tôi tiếp tục thả bộ đi về dưới con dốc, đi một đoạn người em họ tôi chỉ tôi một tiệm ăn nhỏ, và giới thiệu đây là quán Bà Định, một thiếu phụ Việt Nam lấy chồng Nhật, rồi định cư ở đây. Chúng tôi tiếp tục đi đến đầu con dốc, theo một khúc quanh về phía tay phải, đi độ hơn trăm thước, chúng tôi đến trước cửa Kokusai, một cổng vào rất rộng, bên trái một cây cổ thụ rất lớn lá vàng úa, bên trong ba tòa nhà hai tầng, một căn ở giữa, hai bên mỗi bên một căn. Hôm đó ngày thứ bẩy nên rất ít người ra vào, chúng tôi đứng quan sát một lúc rồi bước ra, trước mặt Kokusai về phía tay trái một chút, tôi thấy một ngôi đền nhỏ trông khá đẹp mắt, theo lối kiến trúc Nhật Bản, với những cây Thông, cây Tùng và những ngọn đèn cổ ở trước.


Chúng tôi quyết định đi ngược ra đường chính, đi về phía tay phải, một lúc sau chúng tôi vào một Fudosan khác, lần nầy nhân viên giới thiệu cho chúng tôi một căn hộ bốn chiếu rưỡi, giá cả đúng như chúng tôi tìm, không xa nhưng cũng không gần Kokusai lắm, chúng tôi quyết định đi xem.


Căn hộ nằm trong một khu phố cách xa Kokusai độ 15 hay 20 phút đi bộ, trên một con đường đất hẹp, bên sau nhà người chủ nhà, cách nhau một khu vườn nhỏ. Một tòa nhà bằng gỗ 2 tầng, mỗi tầng có độ bốn năm căn hộ nhỏ, ở đầu dẫy có một chỗ để giặt quần áo, rửa bát… và một điện thoại công cộng nhỏ màu hồng.


Người chủ nhà, một cụ già thuần túy Nhật, trong bộ Kimono, gầy gò, gù lưng, ra đón chúng tôi, mở của đưa chúng tôi xem phòng. Một căn hộ ở tầng trệt, nhỏ bồn chiếu rưỡi, một tủ kéo, để đựng chăn màn, quần áo…bên cạnh cửa ra vào có một chỗ để nấu nướng, rửa bát nhỏ. Chúng tôi cởi giầy bước lên phòng nhìn quanh, quan sát, bàn tán với nhau một lúc, rồi đồng ý thuê căn hộ này. Trở về văn phòng ký giấy, trả tiền và nhận chìa khóa.


Ra khỏi Fudosan, chúng tôi tìm một tiệm ăn nhỏ để ăn trưa. Tôi gọi một bát Ramen, lần đầu tiên ăn Ramen, thú thật ngày ấy tôi không thấy ngon gì cả, miệng lưỡi tôi vẫn quen và nhớ những hương vị của những bát mì ở Saigon. Bát Ramen khá lớn, với những sợi mì mềm nhũn, không dai như mì Saigon, chìm trong một bát nước, màu nâu đen, hơi tanh tanh, lều bều ở trên một vài cọng rau chín, một lát rêu khô, một lát thịt mỏng, vài cọng cải chưa khô tôi nhớ đến những bát mì dai Saigon béo ngậy, hành ngò thơm ngát, phủ đầy xa xíu ngày xưa…

 

Hôm sau, chủ nhật chúng tôi trở về gần khu nhà mướn, để mua xắm một vài thứ cần thiết, trước khi vào ở, như chăn màn, lò sưởi, một chiếc bàn sưởi thấp nhỏ, Kotatsu, một vài bát đĩa, nồi niêu…, tối thiểu để bắt đầu cuộc sống ở Tokyo. Tối hôm đó, đêm đầu tiên tôi sống hoàn toàn cô đơn, trên xứ người. Căn phòng bốn chiếu rưỡi, nhưng trống trải, nên cảm thấy rộng rãi, chăn chiếu, quần áo được cất trong tủ kéo, trong phòng chỉ có một bàn Kotatsu phủ tấm chăn, kê ở giữa phòng, và một lò sưởi gaz, cháy đỏ rực, với một ấm nước đặt ở trên lò sưởi, tỏa khói để giữ độ ẩm. Tôi lấy một vài quyển sách mang từ Saigon sang ngồi đọc, bên cạnh một ly trà nóng, chung quanh hoàn toàn yên lặng. Được một lúc tôi quyết định kéo chăn màn ra đi ngủ, trước đó không quên tắt lò sưởi, điều mà người em họ tôi dặn đi dặn lại, tuyệt đối không được đốt lò sưởi khi đi ngủ.


Trong chiếc chăn dày, ấm áp, tôi nằm suy nghĩ lung tung, những kỷ niệm đầm ấm, của những ngày tháng sống với gia đình, anh em bạn bè tràn vào trong tôi. Với bản tính lãng mạn, nghệ sĩ, tôi vẫn yêu thích thú cô đơn, ngày xưa tôi vẫn hằng mong có được những giây phút cô đơn, một mình một cõi như đêm đó, nhưng tối hôm đó tôi không ngăn được giòng nước mắt, một chút gì trống vắng xâm chiếm trong hồn tôi.

 

Trưa hôm sau, tôi mặc áo ấm ra đường, đi về phía Kokusai. Cái lạnh nhè nhẹ, nắng vàng trải trên các lối đi, xào xạc lá vàng, mang lại cho tôi một cảm xúc thật thanh bình, tôi vừa đi vừa ngắm nhìn nhà cửa ở hai bên. Được một lúc, đi qua con dốc nhỏ tôi đến trước cửa Kokusai. Trưa hôm ấy người ra vào tấp nập, tôi đứng tần ngần ở giữa sân, không biết phải vào đâu, cuối cùng tôi thấy nhiều người ra vào tòa nhà bên tay trái, tôi bước vào theo. Tôi vào đúng phòng ăn của trường, căn phòng khá rộng, cửa kính trông ra một khu vườn lớn, cây lá vàng úa trông khá đẹp mắt. Trong phòng kê rất nhiều bàn, vào đúng lúc cơm trưa nên khá đông người, tôi đi về một góc phòng, mà tai tôi nghe léo nhéo tiếng Việt, trong bàn mọi người ngồi ăn, nói chuyện rất vui vẻ, tôi mạnh dạn đến gần, tự giới thiệu, mọi người vui cười chào đón tôi, mời ngồi, đưa tôi ra gọi phần ăn. Tôi ăn bữa ăn đầu tiên ở Kokusai, Trong bàn mọi người hỏi thăm tôi về tình hình chiến tranh ở Việt Nam và nhất là biến cố Tết Mậu-Thân vừa qua. Sau một lúc, vì phải lên lớp học, chia tay mọi người hẹn tôi chiều tối hôm đó gặp lại.


Chiều hôm ấy, tôi tự mua vé xe điện ở Ōkubo để đi ra Shinjuku, lần đầu tiên lang thang một mình ở Shinjuku, tôi đi từ khu này sang khu khác, mọi nơi đều lôi kéo thị hiếu của tôi, và nhất là trong các cửa hiệu bách hóa lớn, Odaku, Keio… Với tôi ngày ấy, các cửa hiệu bách hóa là một biểu tượng cho một nếp sống văn minh.

 

Sau đó tôi trở lại Kokusai vào khoảng năm sáu giờ chiều. Mùa thu, năm giờ chiều trời đã nhá nhem tối, tôi vào trong phòng ăn của trường, bữa cơm tối chưa được phục vụ, nên phòng ăn cũng vắng người, tôi gặp lại một người bạn đã gặp nhau trưa nay, anh đưa tôi đi thăm trường. Ra khỏi phòng ăn, chúng tôi lên tầng trên của phòng ăn, đây là một phòng thể thao của trường, trong phòng có kê hai ba bàn Pingpong, một vài người đang chơi Pingpong. Những lúc sau giờ học, trước giờ cơm tối, hay cuối tuần, rất đông người chơi Pingpong ở đây, nên rất khó tìm được một bàn trống, phải đợi rất lâu. Vì vậy với một người bạn thân, chúng tôi hay đến đây gần nửa đêm để chơi Pingpong mà không phải đợi. Ở đây cũng là nơi chúng tôi hay tụ họp để làm lễ, tiệc tùng, như Giáng sinh, Tết, Lễ gặp mặt, Lễ chia tay…


Chúng tôi đi vào tòa nhà ở giữa, ở phía dưới một phần để làm văn phòng của trường, và phía trên là những phòng học, tòa nhà hai tầng phía tay phải chỉ dùng để làm phòng học. Sau phòng ăn là một khoảng đất trống lớn, chúng tôi đi theo một lối dốc cao, trải gạch, bên tay phải, bên cạnh một cây Ginkyo cổ thụ lớn, là một sân tenis nhỏ, bên tay trái sau một lùm cây, một sân chơi bóng chuyền, bóng rổ nhỏ, cuối lối đi là cư xá nam của Kokusai.

 

Cư xá nam Kokusai, một tòa nhà 3 tầng, phía ngoài hơi đen đủi. Một hành lang ở giữa, hai bên là các phòng cho sinh viên, mỗi tầng có độ 20 phòng, và các phòng tắm, vệ sinh, phòng giặt giống như cư xá Komaba, nhưng nhỏ và tối tăm hơn.


Chúng tôi vào thăm một vài sinh viên Vietnam, cư ngụ trong cư xá. Căn phòng trong cư xá nhỏ đủ để kể một chiếc bàn và một cái gường nhỏ, một tủ xếp quần áo. Chúng tôi hàn huyên với nhau một lúc, đến giờ ăn mọi người kéo nhau xuống phòng ăn, xếp hàng gọi phần ăn, trả tiền rồi ra ngồi ở bàn, một lát sau có người gọi tên, rồi mang phần ăn đến tận bàn, khác với Komaba phải tự lấy phần ăn, rồi mang ra bàn. Đêm hôm đó tôi gặp lại một người bạn đã quen biết nhau sơ từ Saigon.

Cuộc sống dần dần đi vào nền nếp, ngày hai buổi đi vào Kokusai ăn cơm, tắm rửa, giặt quần áo, gặp bạn bè chuyện trò... Sau đó các sinh viên Vietnam, cùng năm, sang từ từ mỗi ngày mỗi đông, chúng tôi bắt đầu quen biết nhau, kết bè kết nhóm, rủ nhau đi chơi chung, hay thỉnh thoảng lại nhà nhau nấu Ramen, nghe nhạc, chuyện trò, cuối tuần xem cine, Orunaito, có khi ngủ lại đêm ở nhà nhau… Cuộc sống tràn đầy niềm vui của tuổi đôi mươi.


Ở Nhật niên học bắt đầu từ mùa xuân, vào khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư, nên chúng tôi có khá nhiều ngày giờ trước khi vào nhập học chính thức. Năm đó chúng tôi có độ khoảng trên dưới 30 sinh viên mới sang, nên để hướng dẫn chúng tôi, Sứ quán Vietnam ở Tokyo có tổ chức các cuộc đi chơi, hay thăm các hãng xưởng, và sau đó có ý định thành lập một hội đoàn lấy tên Thanh Việt Đoàn, nhưng gặp sự phản đối của hội sinh viên Vietnam ở Nhật nên việc không thành… Chúng tôi cũng được các sinh viên đàn anh, Sempai, mở các lớp học tối về Nhật ngữ, toán học… để chỉ bảo chúng tôi.

 

Học tiếng Nhật để nói thì cũng không có gì gọi là khó, nhưng để đọc và viết tiếng Nhật, đối với những người như chúng ta, chưa bao giờ biết Hán tự là gì, thì cả là một vấn đề. Ngày ấy, chúng ta ai cũng phải có quyển «thông dụng Hán tự», Toyokanji, để học viết chữ Hán. Tôi nhớ những ngày, những đêm, ngồi học viết từng chữ Hán, từ đơn giản đến phức tạp, viết đi viết lại trên trang giấy có kẻ ô sẵn, đến khi nhớ, rồi lại quên. Mỗi ngày tôi tự đặt quy ước cho mình là phải học được từ mười đến mười lăm chữ, ôn đi viết lại lúc nhớ lúc quên … Tôi nghĩ cuối cùng, tôi nhớ được từ hơn một ngàn đến một ngàn năm trăm chữ… Cũng may là chúng ta biết âm Hán, nên việc khó khăn này cũng giảm được đôi chút, so với các sinh viên từ các nước khác. Ngày nay, sau 50 năm ít xử dụng, tôi không biết, vốn liếng này còn lại bao nhiêu. Khi tôi bắt đầu vào hưu trí, rảnh rỗi, có thì giờ tôi định ngồi học lại, như ngày xưa, viết đi viết lại, nhưng không thành, vừa nhớ hôm qua hôm sau đã quên… Có lẽ tại ít xử dụng, và tuổi già trí nhớ mỗi ngày mỗi giảm… Sau này cách viết chữ Hán được đơn giản đi, nên nhiều khi cùng một chữ, nhưng viết đơn giản đi tôi lại không nhận ra được.

 

Trời bắt đầu chuyển từ mùa thu vàng nắng ấm, sang mùa đông âm u lạnh lẽo, tôi vẫn nhớ những tối mùa đông, sương mù phủ kín thành phố, một mình lang thang trong các con đường nhỏ, chìm trong bóng tối, hiện ra từ xa, trong một vùng ánh sáng vàng hiu hắt, của những xe bán Oden, hay Ramen trên đường tỏa khói nghi ngút, một vài người khách ngồi ở quầy xe, bên đĩa Oden, hay bát Ramen nóng tỏa khói, bên cạnh một ly Sake nóng. Hay một cửa hiệu tạp hóa mở cửa khuya, bày trong một tủ kính nhỏ, những chiếc bánh bao nhân thịt nóng, tôi mua một hai cái vừa đi vừa ăn, một món quà đơn sơ, nhưng trong đêm tối lạnh lẽo, là cả một hạnh phúc. Những hình ảnh đơn sơ, thuần túy Nhật, thật khó quên, mà ngày nay khó tìm lại được, nhất là ở Tokyo.

 

Nói đến mùa đông ở Nhật, phải nói đến cái thú đi tắm Ofuro, nhà tắm công cộng. Bình thường tôi hay vào Kokusai để ăn tối, và nhân tiện tắm trong các phòng tắm của cư xá, và giặt quần áo. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng thích đi tắm Ofuro. Tôi vẫn nhớ cảm giác e ngại khi lần đầu đi tắm Ofuro. Kéo cửa đi vào Ofuro, sau khi đi qua một nơi để bỏ giày dép, cất trong một hộc nhỏ, rồi đi vào thêm một cửa nữa, để đi vào bên trong phòng tắm, giữa hai phòng tắm nam và nữ riêng biệt, có một người, thường là đàn ông, ngồi ở giữa, ở trên cao để thu tiền. Trả tiền xong, vào chỗ thay quần áo, bỏ vào những locker nhỏ, có khoá riêng biệt cho từng người, chiếc khóa được thắt trên cổ tay để khỏi thất lạc. Lần đầu tiên trần truồng giữa đám đông, tôi cũng thấy hơi thẹn thùng, nhưng sau rồi cũng quen. Kéo chiếc cửa kính, mờ hơi nước, để bước vào trong phòng tắm, hai bên tường là hai hàng vòi nước, mỗi người một vòi nước, với một chiếc chậu nhỏ, để tắm rửa, gội đầu, kỳ cọ sạch sẽ, trước khi bước vào bồn ngâm chung.


Bồn ngâm là một bể nước nhỏ, ở cuối phòng, rộng độ bốn năm mét vuông, có thể chứa được năm sáu người một lúc, nước lúc nào cũng giữ ở một nhiệt độ nhất định, tôi nghĩ chắc độ hơn 40 độ. Lần đầu tiên không biết, tôi đi thẳng xuống bồn, nóng tưởng chừng như muốn bỏng da, không chịu nổi phải bước ra, sau đó mới biết, là phải ngâm từ từ, bỏ chân vào trước, đợi một chút cho quen với cái nóng, rồi mới từ từ ngâm người xuống. Ngâm xong độ năm, mười phút rồi đi ra khỏi bồn, thân thể đỏ rực, bốc khói, có nhiều người đi thắng ra ngoài một sân nhỏ, để lấy cái cảm giác thay đổi nhiệt độ bất chừng, rồi mới đi vào mặc lại quần áo. Có nhiều nơi còn có thêm một bồn ngâm ở ngoài trời chung quanh có cây cối đẹp mắt, tưởng như đang tắm trong suối nước nóng, Onsen.


Tôi vẫn nhớ những tối mùa đông lạnh lẽo, với người bạn gái Nhật, thỉnh thoảng đi tắm Ofuro chung. Mỗi người một chậu nhỏ, đựng savon, thuốc gội đầu, khăn tắm… tắm xong đợi nhau ở ngoài cửa ra, trên đường về, thế nào cũng phải ghé vào một quán yakitori ăn vài que, uống một ly bia, một cốc Sake, rồi.. bước chân xiêu vẹo về gác trọ, men rượu, men tình ấm gối chăn…

 

Ngày xưa ở đâu cũng có thể tìm thấy Ofuro một cách dễ dàng, chỉ cần tìm cột khói cao là thấy. Ngày nay, ở Tokyo những căn aparto nhỏ, không nhà tắm, hầu như không còn nữa, thay vào đó là những cao ốc, với những căn hộ rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, phòng tắm riêng biệt, nên Ofuro công cộng mỗi ngày mỗi ít đi, chữ Ofuro chỉ để gọi phòng tắm riêng, phòng tắm công cộng được gọi là Sento. Những hình ảnh Nhật ngày xưa của chúng ta mỗi ngày mỗi ít đi…

 

Mùa đông, mỗi ngày càng thêm lạnh, những chiều tối sương mù dày đặc phủ xuống phành phố, như trong một phim ảnh nào đó. Tuyết rơi nhẹ trong đêm, sáng dậy kéo mở cửa sổ, tuyết phủ trắng mọi nơi, lần đầu tiên được thấy tận mắt hình ảnh tuyết rơi, với một người bạn, chúng tôi ra ngoài công viên chơi tuyết, ném tuyết như những trẻ thơ, rồi viết tên người yêu thuở đó trên tuyết trắng... ôi tuổi trẻ đầy thơ mộng…


Tôi vẫn nhớ những hình ảnh của tuổi hai mươi mới lớn ở Tokyo, kissaten, các quán café ở Tokyo, ngày đó là một trong những hình ảnh mà tôi không quên được. Trước khi sang Nhật như tất cả các bạn trẻ khác tôi cũng có thói quen, la cà ở các quán café ở Saigon, nơi mà chúng ta tụ họp bên ly cafe, ly đá chanh để nghe nhạc, chuyện trò, hay phì phào hút thuốc lá, tập làm người lớn. Thu Hương ở vùng Tân Định, gần nhà tôi là một trong những quán café đầu tiên, được chúng ta lui tới nhiều nhất.


Ngày đó, kissaten ở Tokyo là một nơi hẹn hò, của các cặp tình nhân, trong một khung cảnh thật lãng mạn, yên lặng, nhạc êm dịu, ánh sáng mờ ảo, màu sắc nhè nhẹ, bàn ghế thấp được xếp đặt thật gọn ghẽ, để tạo ra những khung cảnh riêng biệt cho những cặp tình nhân, hay những nhóm người khác nhau. Tôi vẫn nhớ kissaten trước mặt ga Okubo, dưới chân đường rầy xe điện, với khung cửa kính lớn, tỏa ánh sáng màu xanh tím. Ngày nay, không khí của kissaten ngày xưa không còn nữa, như ở mọi nơi khác các quán café đều giống nhau, trang trí rất thời trang, sáng sủa, nơi để các giới trẻ gặp nhau, làm việc, học hành qua hệ thống computer.

 

Akihabara, tên một nhà ga xe điện, trên đường Yamate sen, nơi mà chúng ta, chắc ai cũng ghé đến, trong những tháng đầu khi sang Nhật. Nơi mà chúng ta đến để mua sắm những dụng cụ điện tử, nhất là những hệ thống để nghe nhạc.


Sau một hai tháng tìm được chỗ ở, và mua sắm thêm một vài thứ khác, để sống thoải mái hơn, như bàn ghế ngồi học, và một chiếc gường nhỏ. Tôi cũng đi Akihabara để mua một máy để nghe nhạc. So với ngày nay thì Akihabara ngày đó rất khiêm nhường. Lần đầu tiên đến đây, tôi rất háo hức, đi từ tiệm nầy qua tiệm khác, để xem sét, so sánh, cuối cùng tôi chọn mua một máy băng nhựa Akai, có loa phát thanh sẵn ở trong máy, và một đồng hồ báo thức chạy bằng điện, và một chiếc chăn điện...


Trước khi đi, ở Saigon tôi cũng tìm đến nơi thu nhạc, để sang vào một băng nhựa một số nhạc Vietnam thuở đó, để mang sang Nhật. Tối hôm đó tôi ngồi nghe nhạc đến rất khuya. Ngày đó những băng nhạc rất hiếm, được sao đi chép lại, từ người này sang người khác, nên chất lượng rất xấu, nhưng ngày đó là cả một hạnh phúc đối với tôi. Ngày nay chỉ cần có Youtube là không thiếu gì và chất lượng rất cao, muốn nghe bài gì, muốn nghe ai hát cũng có.


Ngày đó theo lối kiến trúc xưa, không có phương tiện để chống lạnh, nên nhà cửa ở Nhật mùa đông rất lạnh, nhất là buổi sáng sớm, vì phải tắt lò sưởi trước khi đi ngủ. Tôi nhớ những sáng mùa đông, đang miên man trong giấc ngủ, máy băng nhựa chạy tự động, theo giờ mà tôi cài đặt trước, chợt vang lên «… Mưa vẫn hay mưa trên hàng là nhỏ… », tiếng hát của KL đánh thức tôi giậy. Tôi chạy ra khỏi chăn, bật lò sưởi thật lớn, rồi lại chạy lại vào trong chăn ấm, nằm nghe hết một vài bài nhạc, cho đến khi phòng bắt đầu ấm lại, mới ra khỏi gường, những giây phút đơn sơ, mà tôi thấy thật hạnh phúc.

 

Giờ đây nhìn lại, gần 60 năm trôi qua, những hình ảnh của những ngày tháng cũ, những ngày tháng của tuổi đôi mươi, bắt đầu vào đời, là cả một quãng đời mà tôi không thể nào quên được. Đi ra từ một đất nước chiến tranh, hạn chế đủ điều. Chợt một sớm một chiều, một mình một cõi, tôi đã sống những ngày tháng thật thanh bình, tự do, vô tư, đầy ước mơ của tuổi trẻ... Chắc có lẽ tôi khó có thể tìm được quãng đời đó, nếu ngày xưa tôi ở lại quê nhà trong một đất nước chiến tranh. Tôi không bao giờ quên ơn nghĩa sinh thành của Cha Mẹ, và tình cảm của các anh chị em trong nhà, những hy sinh mà mọi người đã dành cho tôi.


Tokyo, Shinjuku, Okubo… mọi sự đều thay đổi, tan biến, đời là vô thường, tất cả đều đi vào trong cõi nhớ… Cõi nhớ ơi, hãy ngủ yên trong tôi.

Paris Mars 2025.

Ninh Vũ

Create Your Own Website With Webador