ĐI TÌM NGƯỜI EM TÓC NÂU

Tóc Vàng Sợi Nhỏ  (*)

Hành trình này trải qua ba giai đoạn từ TOKYO - PARIS - MONTRÉAL

 

Tokyo tháng 10 năm 1971 – tháng 6 năm 1975

Sau lệnh rút quân Ban Mê Thuộc của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, tình hình chiến sự miền Nam trở nên căng thẳng, hỗn loạn, bắt đầu có sự di tản từ miền Trung hướng về miền Nam…
Trước những diễn biến quá đột ngột của chiến sự, sinh viên ở Tokyo rơi vào khủng hoảng, bồn chồn lo lắng không biết chuyện gì sắp xảy ra cho gia đình, nhất là những người có gia đình sổng ở miền Trung, mỗi chiều tối mọi người tụ tập về cư xá Kokusai trước là ăn cơm, sau là để thăm hỏi, trao đổi tin tức với nhau.

Mỗi ngày 18h, chương trình TV về tin tức thời sự quốc tế đều phát tin về chiến sự Việt nam, trên màn hình là bản đồ nước Việt Nam với những tỉnh của miền Nam, có những tỉnh bắt đầu từ màu xanh lá cây ngày hôm trước, ngày hôm sau màu hồng và cuối cùng là màu đỏ, ai nấy đều dán mắt trên màn hình, những màu hồng, màu đỏ càng ngày càng thay thế màu xanh cho đến gần cuối tháng Tư, khiến mọi người đều lo sợ, thở dài bất lực.

Mặc dầu gia đình ở Saigon, nhưng lòng tôi vô cùng bối rối, lo lắng, bỗng dưng thấy lòng hụt hẫng, một tâm trạng hoang mang, tôi phải làm gì đây? Như có một tiếng sét trong đầu, tôi không dám nghĩ tới, chẳng lẽ sẽ mất Saigon sao ?

Tự trấn an mình hãy bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó, dù gì chăng nữa mình cũng không làm gì được, hãy tiếp tục đến trường đi nha, dặn mình cho bớt lo âu. Nói vậy nhưng làm gì có tâm trí để học nữa.

Ở dưới phòng ăn của cư xá, chiều tối sau giờ cơm, không ai về nhà mà tụ tập từng nhóm một, trò chuyện, chia sẻ lo lắng, cuối cùng tôi cũng nhập bọn ngồi nói chuyện tâm sự với nhau.

Tối 29 tháng tư bẩy lăm, trên đường đi làm về gần đến Kokusai, lúc đó đã gần mười hai giờ, thì tôi gặp một số anh em đi ngược chiều, họ báo rằng Tòa Đại Sứ bị chiếm bởi một nhóm người, rốt cuộc tôi phải đi cùng với mọi người trực chỉ đến TĐS.

Đường từ nhà ga Yoyogi đến TĐS, nhiều tốp, mỗi tốp khoảng hơn chục người, nói chuyện oang oang, khi đến nơi thì đã có một hàng rào cảnh sát dầy đặc vây kín TĐS, nhằm mục đích bảo vệ những người bên trong khuôn viên, anh em bên ngoài đến càng lúc càng đông, ước đoán khoảng gần hơn hai trăm người, nhìn xuyên qua hàng rào, trong khuôn viên có khoảng vài chục người, họ đang đi vòng chung quanh nhóm lửa và hát bài Nối vòng tay lớn… tôi nhận ra một vài người quen, và không ngờ họ lại là người đứng ở phía trong chứ không phải phía ngoài.

Sau một cuộc điều đình giữa cảnh sát và đại diện anh em bên ngoài, cảnh sát đã mở một lối đi để những người ở phía trong được ra ngoài an toàn, khoảng mười lăm phút sau thì anh em bên ngoài vào trong. Sau khi vào được bên trong, một số người tình nguyện ở lại canh gác ngủ lại qua đêm, còn lại thì mọi người ra về, hẹn gặp lại nhau sáng mai ở TĐS để đóng dấu trên passport, được phép đi tất cả các nước trên thế giới và gia hạn mười năm.

Nếu tối nay không có mặt cảnh sát tôi nghĩ sẽ không tránh được cuộc ẩu đả giữa những sinh viên khác chính-kiến với nhau, nhưng cuối cùng sự việc này đã xảy ra ở Kokusai một giờ sau đó trong phòng ăn của cư xá. Những người có gia đình sống ở miền Trung, Nha trang, Đà nẵng rất sốt ruột, lo lắng khi nhìn thấy những hình ảnh di tản tranh nhau lên tàu, tranh nhau lên máy bay, những tiếng khóc, la réo hoảng hốt, cảnh tượng thật đau lòng, xót xa… không biết có cha mẹ anh em mình trong đoàn người đó không? Họ không kiềm chế được sự tức giận và đã đả thương một người, truy đuổi hai người khác ở trong cùng cư xá. Bây giờ thì những người bạn đó, một số đã ra đi.

Sáng hôm sau, ngày lịch sử Ba mươi tháng Tư năm 75, rất đông anh em, ngay cả những người học ở dưới tỉnh cũng đã có mặt ở Tokyo, mọi người trò chuyện trong khi chờ đóng dấu gia hạn mười năm passport, tôi thấy bóng dáng vài cô gái Nhât, họ đến để làm giấy hôn thú thì phải? Bỗng dưng nghe một vài tiếng nấc vang lên đâu đó, rồi thêm nhiều tiếng khóc nữa, tôi cũng bàng hoàng khi nghe tin Tổng thống DVM tuyên bố đầu hàng, tôi không khóc được, tôi thấy nghẹn nơi cổ, lịm người và cảm thấy tức ngực, phải chi khóc lên được như những anh em khác thì nhẹ người, có một cuộc ẩu đả nhỏ, nhưng đã có sự can ngăn chỉ vì có chút hiểu lầm nhau về chính-kiến trước kia.

Trưa đó về đến nhà, người rã rời, thiếu ngủ cả đêm, sáng dậy sớm, tôi ngủ một lèo gần 12 tiếng đồng hồ trong ngày đau buồn lịch sử đó. Tôi đi ra đường tìm mua một ly mì ly, uống ly coca, người bắt đầu tỉnh táo, khuya rồi mà anh em vẫn còn trò chuyện ở phòng ăn cư xá .
Tôi tiếp tục mỗi sáng đến trường, chiều tối đi làm thêm, quét nhà chùi dọn văn phòng, mỗi tối 2 tiếng, tôi cố làm ra vẻ như không có gì xảy ra, dấu được người chứ làm sao dấu được mình.
Mấy ngày sau một số anh em kéo nhau lên tòa đại sứ Mỹ, họ từ chối không tiếp với lý do sự việc của miền Nam xảy ra quá nhanh, họ không biết xử lý ra sao, phải đợi thông tư từ chính phủ Washington.

Nghe kể lại là có người lên bộ ngoại giao chính phủ Nhật hỏi về quy chế tỵ nạn chính trị, xin passport trắng , thì họ cũng cho biết tình hình bên nhà xảy ra quá đột ngột, họ chưa chuẩn bị gì hết, hãy tạm về rồi sẽ thông báo sau.

Tụi tôi đi thăm dò thêm vài tòa đại sứ, hầu hết tất cả họ đều từ chối không tiếp , cuối cùng chỉ có Pháp là vui vẻ mời anh em vào, không một câu hỏi, vì họ biết chúng tôi cần gì nơi họ, cấp visa nhập cảnh miễn phí với thời hạn bổn tháng.

Có visa trong tay , không có nghĩa là mua vé máy bay đi Pháp, tôi còn 4 tháng để suy nghĩ, xem tình hình ra sao. Tôi vẫn cố gắng đến trường đều đặn, cố gắng giữ vững tinh thần, một tháng trôi qua, tình hình bắt đầu rục rịch, một vài người đã bắt đầu rời Tokyo đi Paris, tôi thật sự thấy nao núng, tự vẽ cho mình một kế hoạch, phải rời khỏi cư xá Kokusai, ra ngoài ở như vậy tâm mới tịnh, mới học vô được, tốt nghiệp xong, sẽ tìm một người vợ Nhật và sống luôn bên này, vì với chế độ mới ngày về gặp lại cha mẹ anh em không biết đến bao giờ chắc còn xa lắm ….
Dự định đó chưa thực hiện thì nghe tin số người đi Pháp càng nhiều, tôi bắt đầu sốt ruột, nhất là có tin phái đoàn bên nhà sẽ qua tiếp thu Tòa Đại Sứ, lúc đó thì tình hình sẽ ra sao? Giấy tờ cư trú ?
Tôi bắt đầu lục lọi thư từ bạn bè thời trung học, tìm lại địa chỉ những thằng bạn đi du học bên Mỹ, Âu Châu hay Canada, tôi viết một loạt carte postal cho từng đứa, hy vọng được trả lời, nhưng tiếc thay tất cả đều thay đổi địa chỉ, cuối cùng có một lá thư từ Pháp tới. Đúng là định mạng đã an bài, tôi bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc hành trình, từ giã Á châu, từ giã Tokyo để đến Paris, phương Tây, đi tìm người em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ, khám phá một nền văn hóa mới, hai khung trời khác biệt.
Tôi còn để dành một số tiền đủ để mua một vé đi Pháp, không có vé trở về, tôi bán TV, dàn máy, bán những gì bán được để gom tiền.
Chuyện gì đến cũng phải đến, thông tin chính thức là phái đoàn chính phủ bên nhà sẽ qua tiếp thu TĐS, tôi tăng tốc thư từ qua lại với người bạn bên Pháp, tìm hiểu nhiều hơn về nước Pháp, hy vọng qua bên đó có người quen biết, đón và hướng dẫn thì cũng bớt lo.
Trong chuyến đi này không phải có mình tôi mà còn có năm người bạn học cùng năm tháp tùng, cuối cùng chuyến đi thật vui nhộn.

Trước ngày đi vài ngày có một sempai (TQT) nói chuyện với tụi tôi, đài truyền hình quốc gia NHK có đề nghị gặp chúng tôi ở ngoài phi trường, phỏng vấn và quay phim để làm đoạn kết của một phóng sự với chủ đề 30 năm chiến tranh VN , chúng tôi đồng ý, rời Nhật, mỗi người mỗi ý nhưng lý do phần lớn giống nhau, vì cuộc sổng và tương lai không được chính phủ Nhật hứa hẹn bảo đảm chính thức.

Ngày ra phi trường, chúng tôi có mặt rất sớm, riêng tôi có được hơn chục bạn bè Nhật có mặt đến tiễn đưa tôi rời Tokyo, họ mang cho tôi một bó hoa lớn thật đẹp, một tẩm thiệp khổ lớn , trên đó là cờ Nhật, chung quanh hình tròn đỏ là những lời cầu chúc tôi được bình an, may mắn thành công trong cuộc sổng mới, từng người viết theo tia sáng của hình mặt trời, tôi rất cảm động và bồi hồi trước những chân tình của những người bạn Nhật này, họ cũng đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian học chung, lớp học khoảng hơn hai chục sinh viên Nhật và bốn Exryu VN nên rất thân tình với nhau. Ngay cả thầy hướng dẫn, khi nghe tin tôi đi, ông kêu tôi lên phòng và muốn tìm hiểu tại sao, ông trách tôi là sao không nói chuyện với ông trước khi quyết định, ông còn nói là sẽ lo học bổng Rotary cho tụi tôi, tôi chỉ còn nước cười khổ và xin lỗi ông, ông còn dặn dò là phải xin visa re-entry, nếu có chuyện gì xảy ra thì trở về lại Nhật, trường lúc nào cũng mở cửa đón nhận tôi.

Nhưng cuối cùng tôi đã không làm theo lời khuyên của người thầy kính mến này. Và cho đến bây giờ, đã năm mươi năm qua mà lòng tôi vẫn còn ray rứt, tôi thật nông nỗi, tôi học được trường tốt, không phải đóng học phí, không bị vấn đề tài chánh, chưa học hành xong, chưa tốt nghiệp, vốn liếng sinh ngữ Pháp không có, nghề ngỗng cũng không, vậy mà hăm hở chạy qua Paris, cứ tưởng mình đi du lịch. Tôi đã trả một giá rất đắt cho quyết định vội vã này. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với đất nước hoa anh đào, những ngày tháng sinh viên tôi thật hạnh phúc, không thiếu thứ gì , nhiều ước mơ, niềm vui, nay bỗng dưng thiên đường bị xụp đổ, tôi rơi vào khủng hoảng chới với và muốn bỏ chạy, quyết định ra đi, bỏ lại tất cả sau lưng, đi tìm một tương lai mới, một chân trời mới, nhưng tôi bị hụt chân những ngày sau đó…

Với vòng hoa lớn trong tay, bỗng dưng tôi trở thành mục tiêu của ống kính, một vài câu hỏi , tôi như một tài tử vô danh tiểu tốt, trả lời từng câu hỏi, hoàn toàn không đề cập đến chính trị, đại khái nói bên Pháp có nhiều người Việt nam sinh sống, làm việc, chính phủ Pháp đã đang giúp đỡ sinh viên Việt Nam, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn sau khi có mặt ở Pháp, tôi mong và hy vọng chính phủ Nhật hãy quan tâm và hết lòng giúp đỡ những những sinh viên bạn bè hiện đang sinh sổng tại nhật .
Đến giờ ra máy bay, tôi đã tặng bó hoa cho cô chiêu đãi viên , đứng chào hành khách lên máy bay.
Hôm đó chuyến bay bị trễ, rời sang ngày mai, người của đài truyền hình NHK báo cho chúng tôi biết là phim phóng sự sẽ chiếu sau khi chúng tôi rời Nhật.
Chúng tôi được đưa về khách sạn, lần đầu tiên trong đời tôi được ngủ ở Đế Quốc Hotel, Shinagawa ( nếu tôi nhớ không lầm) , sau khi nhận phòng xong thì nhân viên khách sạn báo có nhà báo Yori Shinbun muốn gặp phỏng vấn chúng tôi.

Cuộc trò chuyện này vui vẻ và ấm cúng, mọi người ai nấy đều tham gia trả lời , chúng tôi chụp chung hình kỷ niệm. Nhờ trễ máy bay mà tôi được hưởng một bữa cơm tối tuyệt vời, với những món ăn mà tôi chưa từng ăn từ khi bước chân đến Nhật, đời sổng sinh viên làm gì có đủ tiền mà vào đại khách sạn.

 

Le Caire Ai Cập, tháng 6 năm 1975 - tháng 6 năm 1975

Máy bay đến thủ đô Ai Cập trễ hơn một ngày, nên chúng tôi được đưa về khách sạn, đợi chuyến bay khác đi Paris, chắc chúng tôi mua vé giá rẻ, low-cost, nên có chuyện trục trặc như vậy, trong cái rủi có cái may, đó là chúng tôi được nhân viên khách sạn đề nghị đưa chúng tôi đi viếng Kim Tự Tháp, rồi đi Bảo tàng viện để xem xác ướp ngàn năm.
Bây giờ nghiễm lại, cuộc đời tôi thật nhiều chuyện lạ , bất ngờ, vô tình mà được đi thăm viếng nhiều kỳ quan thế giới . Ngày xưa có nằm mơ cũng không nghĩ là mình được nhìn thấy tận mắt núi Phú sĩ, tòa Eiffel, Kim Tự Tháp, Vạn Lý Trường Thành , mộ Taj Mahal v.v.. cuối cùng thì cũng được mãn nguyện. .

Paris tháng 6 năm 1975 – tháng 9 năm 1976

Cuối cùng chúng tôi đã đặt chân đến kinh đô ánh sáng, taxi chạy thêm một vòng để chúng tôi chiêm ngưỡng Khải Hoàn Môn và tháp Eiffel , ghé tiệm ăn VN ăn tô phở và uống ly rượu vang đầu đời, đó là ngày đầu hạnh phúc trên đất Pháp, những ngày sau đó là những ngày gian nan đang chờ đón chúng tôi.
Sau một tuần đầu hồ hởi, nơi chúng tôi ở không phải là hotel, nên sáng 9 giờ phải ra ngoài, chiều 6 giờ thì mới được về phòng. Cả ngày ra ngồi ở vườn Lục Xâm Bảo, hút điếu thuốc, gặm bánh mì ba ghét, vài ngày sau,chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi, ủa sao mình lại ở đây ? Mình làm gì bây giờ vậy ta ? Tôi có ý định trở về lại Nhật, trễ rồi, không có visa re-entry làm sao về.

Sống không kịp thở, không có thời giờ đến thăm nhà Ga Lyon đèn vàng của nhà thơ Cung Trầm Tưởng, đi tìm người em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ ( Mùa thu Paris) .
Cái nghề đầu tiên trên đất pháp là làm việc dây chuyền trong hãng xe hơi Simca bây giờ là Peugeot, thành thực mà nói phương pháp Taylor là một phương pháp ác nghiệt, là mồ chôn tuổi trẻ, có một số anh em Exryu đã nếm mùi lao động những ngày tháng đầu trên đất pháp.
Đời sổng bên Pháp có nhiều nghịch lý, họ rất tự hào là không giống quốc gia nào khác, điều này sau gần năm mươi năm chung sổng, tôi nhận thấy điều đó cũng không sai, họ có cái lý của họ. Dân Pháp áp dụng triệt để tứ khoái trong cuộc sống, tôi đồng ý triết lý này.

Cuộc sống rất vất vưởng, chung quy cũng lỗi tại mình quá chủ quan, nghe không hiểu là điếc, nói không xong là câm, một người tàn tật như vậy thì làm ăn được gì? Không biết một câu tiếng Pháp, lại không có tay nghề, chỉ có nước chết mà thôi, hơn nữa bên này đâu có Takada Nobaba , làm sao sổng qua ngày đây ?? Tôi bắt đầu biết sợ !!!

 

Montrel Canada tháng 9 năm 1976 – tháng 8 năm 1977

Tôi lại quyết định ra đi lần nữa, bỏ Châu Âu , chạy qua Châu Mỹ tìm em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ. Ra đi kỳ này có bốn đứa, sáu thằng qua Pháp, giờ chỉ có ba thằng là dám làm phiêu lưu ký lần nữa, tụi tui đi chung với một sempai ( LVU), người đàn anh này rất giỏi xoay sở. Ngày xưa 6 đứa , bây giờ một đã ra đi, một mất tin tức, một ở VN, một ở Canada, chỉ còn 2 ở lại Pháp.
Chúng tôi không chọn nước Mỹ mà chọn Canada, Montréal, tôi tìm gặp lại người bạn học thời trung học để nhờ giúp đỡ, khi gặp nhau bạn tôi hỏi nó làm được gì cho tôi, tôi trả lời là tôi cần 200$ để trả cho luật sư lo giấy tờ ở lại Canada nó không thắc mắc, chỉ móc bóp lấy tiền, tin tưởng nơi nhau làm tôi rất xúc động. Bảy năm học chung trường, chung lớp, biết nhau từ thuở còn thơ, đã thấu hiểu nhau.


Sau này trước khi về lại Paris, là một chef bếp, tôi mời vợ chồng nó lại tiệm và tự tay tôi nấu đãi hai vị khách đặc biệt này, tôi cũng có quà kỷ niệm cho nó, máy chụp hình Nikon mới tinh mà tôi mua ở Tokyo trước khi rời Nhật. Tôi xoay sở và thực hiện được những điều mà tôi mong muốn là do người bạn này giúp, thật cảm ơn nhiều . Đã gần 65 năm tụi tôi vẫn giữ liên lạc với nhau.
Cuộc sống bên Canada tương đối dễ sống hơn bên Pháp, có lẽ cái logic của họ hợp với tôi, tôi thành công về mặt tài chính, cũng như bên Pháp, tôi làm một nghề mà không bao giờ tôi nghĩ tới, Chef Teppanyaki, một chef nhỏ trong sáu đầu bếp của nhà hàng Steak House Kyoto restaurant, lúc đầu tôi rửa chén, sau vì thiếu người, nên chef trưởng chọn và đào tạo tôi , tôi cần một tháng để trở thành chef thưc thụ. Tôi được đặt tên Jiro Yamada , cái tên nghe rất quen trong tuồng cải lương Thanh Minh Thanh Nga, Sơn Điền Thứ Lang.


Làm việc cho nhà hàng Nhật nổi tiếng ở Montreal , tôi quay dao như quay súng , đốt lửa , cắt tôm cắt thịt như múa kiếm, tôi được nhiều tiền bo, được vỗ tay, và được khách xin chụp hình chung, nhưng tôi vẫn không vui, vì cha mẹ cho đi du học muốn mình thành kỹ sư chứ không phải trở thành đầu bếp, tôi đã quên nhất nghệ tinh nhất thân vinh, đầu óc vẫn còn bị ám ảnh bởi sự suy nghĩ của người việt mình là phải bảng hổ đề danh, bằng cấp to để làm nở mặt nở mày cho cha mẹ, tôi ghi danh đại học bách khoa Montreal, với chứng chỉ tương đương vào học năm thứ hai, sau khi sở di trú từ chối đơn xin ở lại Canada, tôi trở về lại Paris để lo hồ sơ.

 

Paris tháng 8 năm 1977

Tôi nộp hồ sơ visa du học, mặc dù chef Nhật của tôi đề nghị làm giấy tờ chính thức cho tôi với hợp đồng hai năm, tôi không muốn mất thì giờ thêm, vì muốn trở lại trường sớm để lấy cho bằng được bằng cấp mà tôi đã bỏ lỡ ở Tokyo. 

Tòa Đại Sứ Canada từ chối visa du học, với lý do người bảo lãnh của tôi chỉ là bạn học, không có liên hệ gia đình, dù tôi có tiền bảo đảm học phí trong ngân hàng. Đã bỏ Châu Á, sang Châu Âu, bỏ Châu Âu sang Châu Mỹ chẳng lẽ bây giờ qua Châu Phi hay Châu Úc ?
Tôi bắt đầu mệt mỏi, chẳng lẽ những người Việt khác sống được tại Pháp, mà tôi không sống được sao ?

Quyết định ở lại, chấp nhận và sẵn sàng sống chung với logic của người Pháp, tôi bắt đầu lên chương trình kế hoạch, tôi đã có những bước chân thật dài, đi tìm em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ, nhưng giờ đây tôi đã tìm ra em tóc đen da vàng mũi tẹt, cùng xây dựng tương lai.

Về lại Paris tôi lập gia đình, tổ chức đám cưới rất rình rang, mặc dầu chỉ có một thân một mình nhưng hôn lễ vẫn đầy đủ nghi thức, bạn bè Exryu đi tháp tùng hỏi vợ cho tôi, sính lễ cho cô dâu rất chu toàn, có một chuyện bất ngờ vào ngày lễ hỏi khi đến nhà gia đình vợ, số là tôi có nhờ ba của một Exryu đại diện cho ba mẹ tôi đi hỏi vợ, nhưng ngày hôm đó có mặt một cặp vợ chồng lạ mặt, tôi không quen biết, ba của Exryu nói nhỏ với tôi là bác nói chuyện không lưu loát, sợ làm hư chuyện con nên bác nhờ người bạn của bác biết ăn nói đi cùng, đại diện người lớn cho đàng trai, gấp quá nên không báo trước cho con, tôi chới với, biết sao bây giờ, cuối cùng mọi chuyện êm đẹp, ông bà già vợ vui vẻ hài lòng trong bữa tiệc lễ hỏi.


Đám cưới làm lễ tại chùa Khánh Anh, đặc biệt được đại sempai Hòa thượng trụ trì Thích Minh Tâm làm chủ lễ , sau đó là tiệc cưới tổ chức ở Paris, có mặt đông đủ tất cả bạn bè Exryu ở Paris.
Vợ tương lai của tôi thật liều lĩnh , đang sổng yên ấm với cha mẹ anh em, vậy mà đã dám theo tôi, một tên ma cà bông, du thử du thực, không cha mẹ anh em, không nhà cửa, không nghề nghiệp, không tiền bạc, nói tóm lại là không có tương lai, và không sợ tôi bỏ chạy..., cuối cùng tôi đã chứng minh là đường dài mới biết ngựa hay, nàng không chọn lầm người.

Lập gia đình, sau một thời gian làm việc, dành dụm tiền để phòng thân, tôi nghỉ làm, trở lại trường năm tôi ba mươi sáu tuổi, mặc dầu đã có ba đứa con và nuôi thêm một đứa em. Gia đình đông người như vậy sổng ở Paris không dễ. 

Tôi đã phải trả thật nhiều công sức và thời gian trên đất Pháp, xoay sở khó khăn hơn Nhật và Canada, để có một cuộc sổng ổn định về lâu về dài. 


Ngày nay coi như tôi đã làm xong bổn phận của một đời người, gia đình nhỏ của tôi yên ấm với những đứa con thành công trên con đường học vấn cũng như trường đời, sáu đứa cháu đáng yêu được dạy bập bẹ nói tiếng Việt Nam. 


Theo tử vi tướng số thì chu kỳ tuần hoàn là sáu mươi năm một đời người, với tuổi thất thập cổ lai hy này, giờ đây nhìn lại những thăng trầm đã qua, tôi hiểu nhiều hơn về thế nào là tiền tài danh vọng, thế nào là một kiếp phù du, một số bạn bè thân quen đã ra đi, được mất, mất được, tất cả đều là trắng tay, buông xuôi hai tay trở về với cát bụi.

 

BÙI NHÂN

 

(*) Thơ Cung-Trầm-Tưởng

 

Create Your Own Website With Webador